Tiếng Việt

Hotline: 0914 637 689

Phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em

Cập nhật: 11/10/2016
Lượt xem: 1153
Quai bị là bệnh nhiễm trùng của các tuyến nước bọt (tuyến sản xuất ra nước miếng giúp tiêu hóa thức ăn) do virut quai bị gây ra (virut quai bị thuộc họ paramyxovirus (pa-ra-my-xô-virut)). Đây là bệnh lành tính hay gặp ở lứa tuổi học đường, khả năng lây lan rất cao qua đường hô hấp. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân.
Triệu chứng và diễn tiến của bệnh
Thời kỳ ủ bệnh: Thông thường sau khi tiếp xúc với người bệnh 6-9 ngày, trẻ sẽ có biểu hiện bệnh.
Bệnh quai bị thường rất dễ nhận biết với triệu chứng: sưng đau vùng mang tai do viêm sưng tuyến nước bọt vùng mang tai. Vùng mang tai có thể bị sưng cùng lúc hai bên. Có trường hợp sưng một bên sau đó vài ngày sau mới sưng sang bên kia. Bên cạnh triệu chứng sưng vùng mang tai, trẻ có thể  kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói. Đa số trường hợp thường sốt nhẹ và chỉ kéo dài một đến hai ngày.
Bệnh sẽ tự lui dần sau 5-7 ngày nếu không có biến chứng. Vùng mang tai sẽ giảm sưng dần, trẻ ăn uống dễ hơn và hồi phục hoàn toàn sau 7-10 ngày.
Biến chứng của bệnh
Bệnh quai bị thường ít biến chứng. Nếu có, đa số các biến chứng cũng lành tính, sẽ khỏi nếu được theo dõi và điều trị đúng, rất hiếm khi gây tử vong.
Biến chứng thường gặp nhất là viêm màng não xuất hiện khi các triệu chứng sưng vùng mang tai đang giảm dần, trẻ sẽ đau đầu nhiều hơn, nôn ói, mệt mỏi. Thăm khám có thể thấy cổ cứng, gập đầu khó khăn, cằm không thể gập xuống ngực được.
Một biến chứng khác gây lo lắng cho phụ huynh là viêm tinh hoàn ở bé trai và viêm buồng trứng ở trẻ gái. Trẻ trai sốt cao, đau đầu nhiều và đặc biệt là triệu chứng đau nhiều ở vùng bìu (nơi chứa tinh hoàn), có thể một hay hai bên. Đây là biến chứng cần điều trị đúng và kịp thời để tránh di chứng vô sinh sau này. Đối với trẻ gái, biến chứng viêm buồng trứng sẽ biểu hiện đau bụng nhiều và cần được siêu âm để chẩn đoán.
Ngoài 2 biến chứng trên còn có nhiều biến chứng khác như viêm tụy cấp, viêm não, viêm cơ tim nhưng rất hiếm gặp.
Điều trị bệnh
Đây là bệnh lành tính nên có thể điều trị tại nhà, quan trọng là cần theo dõi để phát hiện kịp thời các biến chứng. Bệnh quai bị thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh bạch hầu và bệnh viêm hạch cổ do vi trùng. Nếu là hai bệnh này, trẻ sẽ sốt rất cao và lừ đừ. Do vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện trên, cách tốt nhất cần phải khám bác sĩ chuyên khoa để xác định đúng tình trạng bệnh của trẻ.
Khi trẻ mắc quai bị, ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sỹ, phụ huynh nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm, không nên để bé vận động nhiều, đặc biệt là trẻ lớn để tránh các biến chứng viêm màng não, viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng. Khi trẻ ói nhiều, đau đầu, đau vùng bìu, đau bụng ngay cả là khi vùng sưng ở mang tai đã giảm, thì nên đưa đi khám ngay để kịp thời phát hiện và điều trị các biến chứng. Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian truyền miệng như đắp lá cây, đắp vôi hay dán cao vào vùng sưng là sai lầm rất nguy hiểm. Làm như vậy có thể gây nóng, phỏng vùng sưng, gây nhiễm trùng và làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
Phòng ngừa bệnh quai bị
Để phòng bệnh, cách tốt nhất là chích ngừa bệnh quai bị cho trẻ bằng vacxin. Nên chích ngừa khi trẻ bắt đầu qua 12 tháng tuổi hay khi bé chuẩn bị tiếp xúc với môi trường đông trẻ em như đi nhà trẻ, mẫu giáo hay tiểu học.
 

 
                  Hồng Hà
      Tổng hợp
Đăng ký nhận bản tin:
Thống kê truy cập:
Đang online: 3 -
Tổng số truy cập: 1.769.000
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Địa chỉ: Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn

Số giao dịch: 0423 595 0998 - Fax: 04 3884 0443

Số tư vấn tiêm chủng: 0989 981 425

Đường dây nóng trực lãnh đạo: 0914 637 689

Email: ttythss@hanoi.gov.vn

 
Website: www.trungtamytehuyensocson.org.vn

 

Bản quyền thuộc trungtamytesocson.org.vn
Thiết kế website    SEO -  Tất Thành