Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh được mô tả lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1911 do nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore. Vi khuẩn gây bệnh là vi khuẩn sống trong đất, có thể lây nhiễm cho cả con người và động vật như trâu, bò, lợn, ... Bệnh không có tính chất di truyền, con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn gây bệnh. Lây nhiễm qua đường hô hấp do hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn gây bệnh cũng có thể xảy ra. Bệnh rất khó có thể lây truyền từ người qua người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch nhưng thường tiến triển nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Vi khuẩn gây bệnh là vi khuẩn hiếu khí, không sinh nha bào, nhạy cảm với tia cực tím và ánh sáng mặt trời, bị chết ở 58 độ C trong vòng 15 phút.
Bệnh Whitmore chủ yếu gặp ở khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam và phía bắc nước Úc. Tại Việt Nam, trường hợp bệnh Whitmore đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 tại TP. Hồ Chí Minh; bệnh ghi nhận tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Khi vào cơ thể vi khuẩn có thể xâm nhập vào tất cả các bộ phận của cơ thể trong đó thường gặp là ở phổi. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Bệnh Whitmore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Những người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy gan, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy giảm miễn dịch… thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore, tuy nhiên bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu nếu được phát hiện và điều trị sớm. Do vậy, để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện một số việc như sau:
1. Đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm đồng về, trước khi ăn.
2. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm ốm chết.
3. Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt đối với những người có vết thương hở. Sử dụng các trang bị bảo hộ lao động như giày, dép, ủng và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn; không tắm gội dưới các ao, sông, suối.
4. Khi có biểu hiện sốt cao từ 38,5 độ C hay có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến ngay trạm Y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Hồng Hà ( Từ CDC Hà Nội)