Hiện nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã ghi nhận ổ dịch dương tính với tả lợn Châu Phi tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu làm chết 24 con, đã tiêu hủy hơn 2.000kg lợn.
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế Sóc Sơn khuyến cáo người dân: Mặc dù dịch bệnh tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người song khi lợn bị bệnh tả, sức đề kháng kém nên dễ mắc thêm các loại bệnh nguy hiểm khác như: bệnh tai xanh, cúm, liên cầu lợn, lở mồm, long móng… Đặc biệt với bệnh liên cầu lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái, sống, tiết canh.
Khi nhiễm trùng vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm màng não, suy đa phủ tạng và có thể dẫn tới tử vong.
Chính vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý khi lựa chọn thực phẩm, nhất là thịt lợn. Lợn bị nhiễm dịch tả châu phi có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.
Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường. Nếu thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, khi chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước... thì là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh.
Thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường, ngón tay ấn vào không bị lõm hay rỉ nước.
Hồng Hà