Khi nhắc đến sởi, người dân thường nghĩ rằng đây là bệnh chỉ xuất hiện ở trẻ em. Tuy nhiên trên thực tế, ai cũng có thể mắc sởi. Đặc biệt, khi người lớn mắc sởi dễ dẫn đến các tai biến do chủ quan.
Hiện nay, dịch sởi đang tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi, theo thông tin từ Sở y tế Hà Nội, từ đầu năm tới nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.286 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 805 ca mắc sởi dương tính, tại Sóc Sơn đến thời điểm hiện tại, đã ghi nhận 4 trường hợp mắc sởi được xác định tại các xã: Trung Giã, Minh Trí, Việt Long, Xuân Thu, trong đó có 02 trường hợp mắc là người trưởng thành và 02 trường hợp chưa đến tuổi tiêm phòng sởi.
Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính do virus ARN gây ra. Người lớn rất ít khi bị nhiễm sởi vì thường đã nhiễm từ lúc nhỏ và miễn dịch sau đó. Tuy nhiên, có một số trường hợp người lớn vẫn mắc sởi do chưa miễn dịch.
Khác với trẻ em, sởi ở người lớn nguy hiểm nhất là biến chứng não viêm, gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp làm bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ mắc bệnh sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Virus sởi có thể gây biến chứng sảy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân, thậm chí dị tật.
Các chuyên gia y tế cho biết, do quan niệm bệnh sởi chỉ có ở trẻ em nên người lớn thường chủ quan, không có những biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh tốt khi mắc bệnh. Từ đó, bệnh dễ lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Theo đó, khi bệnh nhân sốt cao cần dùng thuốc hạ sốt, liều lượng do bác sĩ chỉ định. Người bệnh nên nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa, đồng thời uống đủ nước vì sốt cao thường gây mất nước.
Ngoài ra, người bệnh cần vệ sinh răng miệng, vệ sinh da, vệ sinh mắt kỹ lưỡng, chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi.
Ảnh: Internet
Đắc Thành