Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2021 - Các kiến thức cơ bản về bệnh lao
Ngày 24/3 hằng năm là ngày thế giới phòng chống bệnh lao nhằm nhắc nhở cộng đồng về mối nguy hại của bệnh lao. Trên thế giới, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong đứng thứ hai. Tại Việt Nam, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm thường gặp.
Bệnh lao do vi khuẩn gây ra; lây truyền qua đường hô hấp hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh; tiếp xúc với chất thải có chất chứa vi khuẩn lao như đờm, dãi, nước bọt khi ho, hắt hơi hoặc do thường xuyên hoạt động ở những nơi bị ô nhiễm, bụi bẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn lao phát triển gây bệnh.
Người mắc bệnh lao ban đầu thường có các triệu chứng sau: ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, uống thuốc vẫn không khỏi bệnh; chán ăn, mệt mỏi; da xanh, thiếu máu.
Nếu bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng sẽ điển hình: thường xuyên bị đau ngực và khó thở; sốt cao trong 2 tuần, buổi chiều thường sốt nhẹ; gầy yếu sút cân nhanh chóng; ra mồ hôi về đêm.
Khi người dân phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ về bệnh lao cần đến ngay phòng khám lao Trung tâm Y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
Cách phòng bệnh lao tại cộng đồng:
Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh lao là tiêm phòng vacxin BCG cho trẻ nhỏ trong vòng 1 tháng đầu sau khi sinh nhằm giúp cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao.
Khoảng 3 đến 4 tuần sau tiêm, tại chỗ tiêm sẽ có một nốt sưng nhỏ. Vết sưng hóa mủ và rò dịch trong vài tuần rồi kín miệng đóng vảy. Khi lớp vảy bong ra sẽ để lại một sẹo nhỏ, màu trắng, có thể hơi lõm. Đó là dấu hiệu nhận biết một người đã được tiêm phòng lao.
Đối với người lớn, khi tiếp xúc với nguồn lây phải đeo khẩu trang khi giao tiếp với người mắc bệnh, giữ khoảng cách tối thiểu là 2m, đeo găng tay khi giặt đồ và sát khuẩn tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn >= 70%.
Tiệt trùng chăn, màn, ga, gối, chiếu,.. bằng cách nhúng trong nước sôi, phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt vi khuẩn lao.
Vệ sinh môi trường, nhà cửa thông thoáng, không khạc nhổ bừa bãi, dùng khăn giấy khi khạc đờm rồi đốt đi.
Hiện nay, bệnh lao vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Do tỷ lệ lưu hành cao cũng như khả năng kháng thuốc của vi khuẩn lao. Vì thế mỗi người dân cần có kiến thức để bảo vệ mình và người thân để phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi ra cộng đồng xung quanh hướng tới mục tiêu người dân sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Đối với người mắc bệnh lao, cần:
Tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, làm đủ các xét nghiệm, dùng thuốc phối hợp đúng, đủ, đều để chữa dứt điểm bệnh và phòng kháng thuốc.
Không được tự ý dừng, thêm hoặc đổi thuốc. Thuốc uống hàng ngày vào một giờ nhất định khi đói.
Người bị bệnh lao cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người xung quanh như: Che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn tay, khăn giấy, sau đó luộc sôi khăn tay sau khi giặt bằng xà phòng hoặc đốt khăn giấy. Trong nhà cần mở cửa sổ để không khí lưu thông, hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người ốm yếu.
Người bị bệnh lao cần bỏ rượu, bia, thuốc lá; sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để chống đỡ bệnh tốt hơn.
Bệnh lao hoàn toàn điều trị khỏi. Tuy nhiên, phác đồ điều trị trong thời gian dài từ 6 – 8 tháng, do đó bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ, tránh trường hợp bỏ trị sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lao kháng thuốc.
Điều trị khỏi một người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không bị mắc bệnh lao, vì vậy người bệnh lao điều trị khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cả cộng đồng.
Hồng Hà