Theo số liệu báo cáo, hiện nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xuất hiện bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Từ 1/7 đến 6/7/2016, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 160 trường hợp đau mắt đỏ, bệnh xuất hiện ở 21 xã trên địa bàn huyện.
Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện vào mùa hè sau bão lụt, thời tiết và môi trường sau mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển và gia tăng.
Bệnh thường xảy ra thành dịch với các triệu chứng cộm mắt, mắt có dử màu vàng hoặc vàng xanh, rất dính đọng ở 2 góc mắt. Do đó, khi bị bệnh viêm kết mạc, người dân nên đến các cơ sở y tế để khám, tuyệt đối không được tự ý tra thuốc khi không có hướng dẫn của bác sỹ để phòng tránh các biến chứng xảy ra như: viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, tăng nhãn và dẫn tới mù loà.
Vì vậy để phòng bệnh tốt nhất, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tuyệt đối không dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn lau, dụi mắt.
- Súc miệng nước muối hoặc nước súc miệng diệt khuẩn hàng ngày.
- Nhỏ mắt hàng ngày bằng thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9 %.
- Không dùng chung khăn, chậu rửa với người mắc bệnh đau mắt đỏ.
- Không dùng chung đồ dùng, dụng cụ với người bệnh. Khi đi ra ngoài, cần đeo kính chắn bụi.
- Nếu trẻ bị đau mắt (thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước), phụ huynh, cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay gỉ và nước mắt chảy ra khi vệ sinh mắt (áp dụng tương tự với người lớn).
- Trước khi vệ sinh mắt, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn có tác dụng tốt hạn chế virus đau mắt đỏ lây lan cho người khác. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người đặc biệt là nguồn dịch.
Ngoài ra, người dân cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng cần chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho mắt, nhất là vitamin A. Các loại thành phần dinh dưỡng tốt cho mắt bao gồm cần tây, dầu cá, lòng đỏ trứng gà, gan động vật....Uống nhiều nước, khoảng 2lít nước/ ngày để giữ độ ẩm cần thiết cho đôi mắt
Hồng Hà