Hiện nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã phát hiện 01 trường hợp nhiễm liên cầu lợn tại thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn. Do vậy, để chủ động phòng chống dịch, người dân cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm liên cầu lợn ở người.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm vi khuẩn cấp tính lây từ động vật sang người nhưng chủ yếu là từ lợn sang người. Người bị nhiễm bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua những vết thương hoặc vết trầy xước trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt tươi sống. Bệnh liên cầu lợn lây từ lợn sang người do ăn thịt lợn sống hoặc chưa được nấu kỹ, đặc biệt là tiết canh lợn, hoặc mắc bệnh có thể qua đường hô hấp do hít phải những hạt nước bọt hay các hạt khí dung có chứa vi khuẩn từ động vật nhiễm bệnh đào thải ra ngoài.
Biểu hiện của bệnh
Biểu hiện ban đầu là lạnh, tay chân run rồi lên cơn sốt rất cao (trên 39 độ C), đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy, có thể rối loạn ý thức, sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp, xuất hiện các ban hoại tử trên da (xuất huyết rất to màu xám đen, bong tróc, hay lốm đốm). Một số bệnh nhân có dấu hiệu phát ban trên da, sau 5 ngày ban không những không lặn mà càng ngày càng rõ, kèm theo mệt mỏi.
Bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não mủ: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, cứng vai gáy và có thể có rối loạn ý thức. Hoặc có thể có triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc máu: sốt cao đột ngột kèm rét run, đau đầu, bạn xuất hiện đa dạng, mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng, trụy mạch.
Nếu người bệnh được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ khả quan, nhưng nếu phát hiện muộn bệnh nhân có thể bị phù não sẽ để lại các di chứng nặng như động kinh và có thể tử vong.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh, người chăn nuôi cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sử dụng đồ bảo hộ khi phải tiếp xúc, giết mổ lợn. Những người có vết thương hở, bệnh ngoài da không nên tiếp xúc với lợn hoặc tham gia giết mổ, chế biến thức ăn từ lợn.
Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn ở nơi tin cậy, có đóng dấu kiểm dịch. Không ăn thịt lợn bệnh hay lợn đã chết, thịt lợn không rõ nguồn gốc. Giữ vệ sinh và ăn chín là cách tốt nhất để phòng bệnh liên cầu lợn ở người.
Với người chế biến thức ăn cần giữ cho khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ. Khu bảo quản thịt sống phải tách biệt với nơi bảo quản thịt đã qua chế biến. Không dùng dụng cụ chế biến thịt sống để chế biến thịt chín. Rửa tay bằng xà phòng sau khi chế biến thịt. Sản phẩm phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Khi có các triệu chứng lâm sàng: sốt cao có thể kèm theo rét run, mệt mỏi, đau đầu buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê, xuất huyết dưới da thành mảng...phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyễn Thiện (TYT Bắc Sơn)