Ngày cưới là ngày vui trọng đại của mỗi gia đình. Khi nhà có đám cưới, ngoài việc chuẩn bị các nghi lễ truyền thống thì việc không thể thiếu là chuẩn bị tiệc cưới. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thì vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho cỗ cưới cũng đang còn là nỗi lo chung của nhiều gia đình và cả những người được mời đến dự.
Tiệc cưới thường chỉ diễn ra từ 1 – 2 ngày song để phục vụ cho đám cỗ với số lượng vài chục đến hàng trăm mâm thì đội ngũ nấu cỗ cũng cần đến vài chục người đảm nhiệm các khâu từ lựa chọn thực phẩm, sơ chế thực phẩm đến chế biến thực phẩm. Do vậy, để ngày cưới sẽ là ngày vui trọn vẹn, trước hết gia đình và người đảm nhiệm công tác hậu cần phục vụ tiệc cưới cần nâng cao ý thức, hiểu biết để biết cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trước khi tổ chức tiệc phải làm tổng vệ sinh, diệt các côn trùng gây bệnh như: ruồi, nhặng xung quanh khu vực chế biến thực phẩm và nơi dọn tiệc.
Người trực tiếp phục vụ chế biến thực phẩm phải khỏe mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm và các bệnh ngoài da, có kiến thức về an toàn thực phẩm và thực hành tốt trong quá trình chế biến thực phẩm.
Không sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo ATTP.
Có đủ nước sạch trong quá trình sơ chế biến, phục vụ ăn uống
Chọn khu chế biến, phục vụ ăn uống phải cao ráo, thoáng mát, có mái che mưa nắng, có vật dụng để che bụi, chống ruồi, gián, côn trùng và động vật gây bệnh, cách xa chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh, có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến, dùng găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn
Khu bảo quản thức ăn nhanh, thực phẩm chín phải đảm bảo vệ sinh, phải bày trên bàn hoặc giá cao; không để thực phẩm tươi sống gần thực phẩm đã qua chế biến; có vật dụng để che bụi, chống ruồi, gián, côn trùng và động vật gây bệnh; có đủ dụng cu để kẹp, gắp, xúc thức ăn.
Khu vực ăn uống phải thoáng mát, có bàn ghế đảm bảo được lau chùi sạch sẽ.
ảnh: Internet
Hồng Hà