Hiện nay, do diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch cúm gia cầm đang tái phát và có chiều hướng gia tăng, đã có hàng vạn gia cầm chết hoặc phải tiêu hủy. Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi. Theo đó, cúm A/H5N1và H5N6 là loại cúm gia cầm độc lực cao lây nhiễm chủ yếu từ vật sang người, cúm A/H7N9 chưa có tại Việt Nam nhưng có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Trên địa bàn TP Hà Nội nói chung và huyện Sóc Sơn nói riêng, đến nay chưa ghi nhận ổ dịch nào, tuy nhiên Trung tâm y tế Sóc Sơn khuyến cáo người dân cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như sau:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Phòng TT-GDSK