Ngày 23/6, Trung tâm Y tế Sóc Sơn ghi nhận 1 ca viêm não Nhật Bản trên địa bàn huyện. Bệnh nhân là trẻ sinh tháng 7/2015 tại xã Đức Hòa và chưa đến lịch tiêm vacxin phòng bệnh . Hiện tại, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo.
Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Sóc Sơn đã triển khai các biện pháp xử lý dịch như: phun hóa chất diệt muỗi và côn trùng, hướng dẫn xử lý, vệ sinh môi trường tại nhà bệnh nhi và các hộ gia đình lân cận, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh đồng thời khuyến cáo người dân cần đưa trẻ trong độ tuổi qui định tiêm đầy đủ 3 mũi vacxin theo chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh VNNB và những biến chứng của bệnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do vi rút gây ra. Vi rút viêm não Nhật Bản truyền sang người do muỗi đốt và truyền bệnh, vật chủ mang vi rút là lợn và một số loài chim, khi muỗi đốt vật chủ mang virut sau đó đốt người thì sẽ truyền bệnh sang cho người. Đây là một bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, hay để lại di chứng, nhất là di chứng nặng nề về thần kinh và vận động. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi.
Trẻ mắc bệnh VNNB thường có biểu hiện khó chịu, kém ăn, lười chơi, hay quấy khóc. Có thể bị sốt, ho, tiêu chảy, đau đầu, nôn ói... Giai đoạn khởi phát trẻ có triệu chứng: đột ngột sốt cao 39-40oC, thường sốt liên tục, đau đầu, nôn mửa, lừ khừ, bỏ ăn, có thể kèm ho, tiêu chảy. Giai đoạn toàn phát, trẻ thay đổi tri giác, lú lẫn, đờ đẫn, hôn mê dần, xuất hiện co giật và có thể tử vong rất nhanh nếu không điều trị kịp thời. Do vậy, cách phòng bệnh hiệu quả nhất chính là tiêm vacxin phòng bệnh VNNB. Trẻ trong độ tuổi quy định cần được tiêm đủ 3 liều theo chương trình tiêm chủng quốc gia: mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi 1 một – 2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua tuổi 15. Bên cạnh đó, người dân phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phun thuốc diệt muỗi và bọ gậy; cho trẻ mặc quần áo dài và ngủ màn để tránh muỗi đốt. ở khu vực nông thôn, việc chăn nuôi lợn, nuôi chim tạo điều kiện cho virus có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, đặc điểm của virut này là bị diệt ở nhiệt độ cao, dưới ánh nắng mặt trời hoặc các chất tẩy rửa diệt trùng. Do đó, các hộ gia đình cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, xây dựng khu chăn nuôi cách xa nhà ở để phòng bệnh.
Ảnh: Internet
Hồng Hà