Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Việt Nam. Qua nhiều năm, thực hiện chương trình phòng chống Lao quốc gia Trung tâm y tế đã duy trì phòng chống Lao phổi ổn định.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn đã khám 149 lượt bệnh nhân, trong đó phát hiện 17 bệnh nhân mới. 100% bệnh nhân phát hiện được quản lý, điều trị theo đúng quy định của chương trình phòng chống Lao quốc gia góp phần ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.
1. Bệnh Lao do vi khuẩn lao gây ra, là một bệnh nhiễm trùng có khả năng lây truyền trong cộng đồng qua đường hô hấp. Ngoài ra, vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc mắt, đường tiêu hoá.
Bệnh lao rất dễ lây song rất dễ phòng và có thể chữa khỏi được nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng phác đồ và đủ thời gian.
2. Nhóm người có nguy cơ cao nhiễm và mắc lao:
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
- Người nhiễm HIV.
- Người suy dinh dưỡng, mắc các bệnh mãn tính: loét dạ dày, đái tháo đường....
- Người nghiện ma tuý, nghiện rượu, tiếp xúc với các chất độc.
- Người vô gia cư.
3. Mọi người hãy đi khám phát hiện bệnh Lao khi có dấu hiệu:
- Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần.
- Ho ra máu.
- Đau ngực, đôi khi khó thở.
- Gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi.
- Sốt nhẹ về chiều.
- Ra mồ hôi trộm ban đêm.
Khi có các dấu hiệu trên cần đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời và đúng cách.
4. Để phòng bệnh lao, người dân hãy:
- Cải thiện điều kiện dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, tập thể dục thể thao.
- Sống lành mạnh, vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng.
Ảnh: Internet.
Nguyễn Thị Huyền