Tiếng Việt

Hotline: 0914 637 689

Các bệnh do hút thuốc lá gây ra

Cập nhật: 01/08/2016
Lượt xem: 1644
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Hút thuốc lá có liên quan chặt chẽ với ung thư phổi và là nguyên nhân gây ra ung thư phổi. Ở hầu hết các nước, thuốc lá là nguyên nhân gây hơn 90% ca tử vong vì ung thư phổi. Trong vòng 60 năm qua, tỷ lệ ung thư phổi tăng lên đáng kể cùng với số lượng người hút thuốc gia tăng. Nguy cơ mắc ung thư khoang miệng ở nam giới có hút thuốc lá cao hơn nam giới không hút thuốc lá từ 3,6 đến 11,8 lần. Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản.  
Các chuyên gia về y tế cho biết, hút thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp vì khi hít khói thuốc vào sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Hút thuốc kích thích hệ thống thần kinh tự động của tim. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút thuốc.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá và nhồi máu cơ tim. Hút thuốc lá còn được xác định là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng nhất của bệnh nhồi máu cơ tim ở phụ nữ dưới 50 tuổi. So với người không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng lên 1,6 lần ở người đã từng hút thuốc, tăng lên 3 lần ở người hút từ 1-14 điếu/ngày và tăng lên 5,5 lần ở người hút trên 14 điếu thuốc/ngày. Nguy cơ mắc và chết do bệnh mạch vành ở người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc từ 2,5 lần đến 75 lần tùy theo mức độ hút thuốc, theo giới và tuổi.
Hút thuốc lá làm tăng số lần mắc bệnh và làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính ở người khỏe mạnh hút thuốc cao hơn người khỏe mạnh không hút thuốc từ 1,5 đến 7 lần. Hút thuốc lá được chứng minh là nguyên nhân của các vấn đề hô hấp mãn tính bao gồm viêm phổi, tổn thương quá trình sinh học ảnh hưởng đến phế quản và phế nang phổi, làm hạn chế phát triển chức năng phổi ở trẻ em, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm giảm chức năng phổi ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai.
Hút thuốc làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới do làm giảm lượng tinh trùng, biến đổi hình dạng của tinh trùng hoặc bệnh liệt dương. Với nữ giới, hút thuốc lá cũng làm giảm khả năng sinh sản và gây sảy thai. Phụ nữ hút thuốc trên 15 điếu mỗi ngày sẽ khó thụ thai. Những phụ nữ hút thuốc không chỉ gặp khó khăn khi thụ thai mà còn chịu một số khó khăn về nuôi dưỡng thai nhi. Các nghiên cứu cho thấy người hút thuốc có nguy cơ sảy thai cao hơn từ 1,5 đến 3,2 lần ở người không hút thuốc.
Hút thuốc lá thụ động cũng gây tác hại không kém với hút thuốc lá chủ động, đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ em phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động nếu người mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai, hoặc nếu mẹ là người hút thuốc thụ động, hoặc trẻ sống với người hút thuốc. Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố, mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề về sức khỏe.
Hút thuốc lá thụ động có thể gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bao thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần. Trẻ sinh ra từ mẹ hút thuốc thụ động có cân nặng thấp hơn những trẻ khác. Trẻ cũng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp ở trẻ sơ sinh có bố, mẹ hoặc chỉ có mẹ hút thuốc cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với trẻ khác, đặc biệt nguy cơ này cao nhất ở trẻ có mẹ hút thuốc. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ em có liên quan với hút thuốc lá thụ động và tỷ lệ này cao hơn ở trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần đối với viêm tai giữa tái phát và 1,4 lần đối với chảy mủ tai mãn tính.
Hút thuốc thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ và làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng ho, khò khè, có đờm, thở ngắn ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%. Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ trong suốt thời kỳ trẻ em. Các nghiên cứu cũng chứng minh hút thuốc thụ động sau khi sinh cũng làm chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 0,32% dung tích sống gắng sức, 1,2% thể tích thở gắng sức, 4,8 tỷ suất thở ra giữa thời kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.
Ở người lớn, người thường xuyên sống và làm việc trong môi trường có khói thuốc cũng mắc các bệnh tương tự như những người hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30% so với những người không hút thuốc cả chủ động và thụ động. Các bằng chứng khoa học hiện tại thể hiện mối liên quan giữa hút thuốc lá thụ động, ung thư vú, ung thư xoang mũi. Hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25-30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ.
 
 Nguyễn Thị Huệ ( Nguồn  Sở y tế Hà Nội.org.vn)  
Đăng ký nhận bản tin:
Thống kê truy cập:
Đang online: 99 -
Tổng số truy cập: 1.769.346
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Địa chỉ: Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn

Số giao dịch: 0423 595 0998 - Fax: 04 3884 0443

Số tư vấn tiêm chủng: 0989 981 425

Đường dây nóng trực lãnh đạo: 0914 637 689

Email: ttythss@hanoi.gov.vn

 
Website: www.trungtamytehuyensocson.org.vn

 

Bản quyền thuộc trungtamytesocson.org.vn
Thiết kế website    SEO -  Tất Thành