Báo Người Hà Nội số 35 ra từ ngày 26/8 – 01/09/2016, trong chuyên mục Kết nối có bài viết:
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn – Hà Nội: Tăng cường công tác phòng và chữa bệnh tăng huyết áp giúp người dân nâng cao sức khỏe.
Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến nhất, tăng huyết áp ngày càng tăng không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới, đây là một vấn đề mang tính thời sự của y học mọi quốc gia. Tăng huyết áp là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mọi người, là nguyên nhân gây tàn phế, tử vong đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong của bệnh tật.
Thực hiện kế hoạch số 1274/KH-SYT ngày 23/4/2014 của Sở Y tế Hà Nội triển khai công tác xây dựng và phát triển mô hình khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2014 – 2020; Công văn số 1913/BHXH-NVGĐ1 ngày 16/7/2014 của BHXH TP.Hà Nộivề việc thanh toán chi phí điều trị tăng huyết áp trạm y tế xã theo độ BHYT; Công văn số 1042/BTV-CĐT ngày 24/10/2014 của Bệnh viện Tim Hà Nội về việc kế hoạch hỗ trợ triển khai chương trình quản lý và điều trị tăng huyết áp tại tuyến xã huyện Sóc Sơn.
Để góp phần phòng chống bệnh tăng huyết áp cho người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong cho xã hội. Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai đề án quản lý và chăm sóc sức khỏe bệnh tăng huyết áp với mục tiêu xác định tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành và đưa vào hồ sơ quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.
Về mô hình quản lý, Sóc Sơn là huyện ngoại thành Hà Nội, nằm ở phía Bắc cách trung tâm thủ đô 40km, với diện tích 313 km2, dân số toàn huyện khoảng 320.000 người. Với điều kiện tự nhiên vùng gò đồi, đường xá, giao thông đi lại khó khăn. Một số xã cách trung tâm huyện khoảng 20km còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế. Trung tâm Y tế có 8 khoa phòng, 4 Phòng khám đa khoa và 26 trạm y tế xã, thị trấn. Đảm bảo về trang thiết bị như máy Xquang, máy siêu âm màu, máy điện tim, máy nội soi tiêu hóa, nội soi tai mũi họng, nội soi cổ tử cung, ghế răng, kính sinh hiển vi, bộ thử kính, bộ bóp bóng am bu, máy khí dung, máy xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học, nước tiểu, lao, viêm gan B, HIV…
Mặc dù gặp những khó khăn, nhưng những năm qua, 4 phòng khám đa khoa đã triển khai và cấp thuốc cho các bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường. Kết quả điều trị tăng huyết áp năm 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đã có chuyển biến rõ rệt. Năm 2014 là 1087 bệnh nhân, 2015 là 4787 bệnh nhân và 6 tháng đầu năm 2016 là 6093 bệnh nhân. Bệnh nhân tăng huyết áp được theo dõi diễn biến bệnh ở các lần khám bệnh và số lần điều trị lưu trú trong quá trình điều trị.
Song song với đó các phòng khám đa khoa, trạm y tế luôn đảm bảo về thủ tục hành chính, ghi đầy đủ mục lý do khám chữa bệnh, tiền sử, bệnh sử, các yếu tố nguy cơ tim mạch, các xét nghiệm, chẩn đoán các thuốc sử dụng. theo dõi những diễn biến của bệnh tự ghi chép lại và có nhận xét của BS mỗi lần khám bệnh. Các bệnh nhân đều cam kết tham gia mô hình quản lý theo đề án tăng huyết áp, các trường hợp cam kết thực hiện đầy đủ các yếu tố do đề án quy định. Dự kiến trong tháng 10, sẽ khám sàng lọc, cấp thuốc điều trị tiểu đường tại 26 xã.
Nhằm nâng cao hơn nữa công tác khám và chữa bệnh cho nhân dân, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn vẫn cần có chính sách ưu tiên để thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm về làm tuyến xã. Tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn và cộng tác viên dân số, phân y tế thôn phụ trách theo số dân. Có cơ chế chính sách mô hình BSGĐ, khám tư vấn hướng dẫn luyện tập tại nhà, xây dựng gói dịch vụ BHYT chi trả chăm sóc và điều trị tại nhà, tư vấn sức khỏe qua điện thoại.
Ngoài ra, các phòng khám đa khoa cần được cho phép điều trị nội trú ban ngày từ 5-7 ngày, trạm y tế từ 3-5 ngày, có sự thẩm định phê duyệt của Sở y tế. Cho các trạm y tế được điều trị ngoại trú 30 ngày; bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh đông y, phục hồi chức năng. Cho phép các cán bộ y tế mới ra trường được thực hành tại các phòng khám đa khoa. Trạm y tế để đảm bảo vừa học, vừa làm.
Ảnh: Internet.
Hương Giang - Báo Người Hà Nội.