Như chúng ta đã biết, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.
Bệnh lao có thể bùng phát như một bệnh dịch nguy hiểm làm chết nhiều người và tác động xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội. Bệnh lao là 1 trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất; là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh truyền nhiễm với khoảng 1,6 triệu người tử vong do lao; trong đó khoảng 300.000 ca tử vong do đồng nhiễm lao/HIV.
“Đã đến lúc cần hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” - đó là chủ đề của ngày Thế giới chống lao năm 2019.
Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định cần tăng cường các hoạt động đi đến kết thúc bệnh lao đó là nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng chống lao, giảm mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao và kêu gọi các cấp chính quyền, ngành y tế cũng như các ban ngành đoàn thể tích cực tham gia và ủng hộ hoạt động phòng chống bệnh lao; tăng cường khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông của người bệnh lao (đặc biệt người bệnh lao nghèo); giảm mặc cảm kỳ thị với bệnh lao; giúp cho việc tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp, tăng cường công tác phát hiện bệnh lao đặc biệt là Lao trẻ em, Lao kháng thuốc, Lao/HIV; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong phát hiện, xây dựng và triển khai các công cụ can thiệp và chiến lược mới, cũng như trong nghiên cứu về Lao và bệnh phổi.
Ảnh: Internet
Hồng Hà