Người thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân bằng sự đồng cảm
Sinh ra và lớn lên tại Thôn Vệ Linh-xã Phù Linh-huyện Sóc Sơn-Hà Nội, do nhiều cơ duyên, năm 1984, chị về Trạm Phù Linh công tác. 2 năm sau, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Vinh dự và tự hào song trách nhiệm càng vất vả hơn khi năm 1990, sau 4 năm phấn đấu, chị lại được cấp trên tín nhiệm giao đảm nhận chức vụ Trạm trưởng từ đó đến nay.
Những ngày đầu tham gia công tác quản lý, chị rất trăn trở với những thiếu thốn, khó khăn của trạm. Khi đó, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế nghèo nàn, dụng cụ y tế lớn nhất lúc đó là bộ ống nghe, huyết áp đã cũ. Nhân lực của trạm chỉ có 3 cán bộ nhân viên (CBNV). Bệnh nhân đến trạm ngày càng đông, nhân lực ít khiến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho nhân dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chị thường xuyên tham mưu với lãnh đạo UBND xã, Ban Giám đốc TTYT để đưa ra phương hướng hoạt động cho công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân được tốt hơn.
Đến nay, Trạm Y tế xã Phù Linh đã được biên chế 10 CBNV có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học, trong đó có 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng, 2 nữ hộ sinh, 2 y sỹ và 1 dược sỹ, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp với 13 phòng công năng được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, CSSKBĐ cho nhân dân trong tình hình mới.
Hiện tại, trung bình 1 tháng, Trạm Y tế xã đã khám cho khoảng 1.150 lượt bệnh nhân, trong đó khám dự phòng các bệnh không lây nhiễm khoảng 450 lượt, khám chữa bệnh thông thường khoảng 700 lượt. Đa số là bệnh nhân có thẻ BHYT.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 31 năm công tác. Chị nói: “Mình có nhiều kỷ niệm từ khi bước vào ngành nhưng có một kỷ niệm đã theo mình 9 năm nay. Và đó thực sự là điều kỳ diệu mà mình không thể lý giải được. Vào ca trực năm 2006, một cháu bé khoảng 5 tuổi bị đuối nước được đưa vào trạm trong tình trạng thân thể mềm nhũn, môi trắng bợt, toàn thân chuyển từ tím thành tím trắng. Tiên lượng có chuyện không hay, mình nhanh chóng trực tiếp dùng miệng hút mũi trẻ, rất nhiều nước kèm theo dịch hồng chảy ra. Thoáng có chút bi quan nhưng không chịu thua, mình tiếp tục hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực thì biết bao là thức ăn, nước nhầy ộc ra”.
Trên nét mặt chị thoáng có chút đăm chiêu, rồi chị tiếp: “Năm đó, mình trực một mình nên vừa cấp cứu, vừa hô hoán gọi người hỗ trợ. Sau 15’ cấp cứu tích cực, bé vẫn không có tiến triển, mọi người đứng ngoài ai ai cũng lắc đầu. Mình thấm mệt nhìn mồ hôi lăn trên trán chị y tá phụ. Không khí căng thẳng, mình cảm giác như sắp mất đi một điều quý giá. Đột nhiên thấy bé ọ ẹ, mình liều tát bé mấy cái và quát to khóc đi. Bé bật khóc, toàn thân, đặc biệt là môi dần chuyển sang màu hồng nhạt. Ca cấp cứu đã thành công. Mọi người reo hò, hạnh phúc vỡ òa trong nước mắt”.
Lúc này, ánh mắt chị sáng lên: “Mình tiếp tục hộ tống đưa cháu chuyển viện bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Sau khi khám toàn diện, bác sỹ trả lời: cháu bé đã qua cơn nguy hiểm. Đúng là điều kỳ diệu đã xảy ra. Đến nay, cháu đã học cấp 2. Hàng năm, đến ngày lễ Tết, gia đình vẫn đưa cháu tới nhà mình chúc Tết với tấm lòng thành kính.
Ngoài công tác quản lý, chị Hoa thường xuyên tham gia khám bệnh từ 3-4h/ngày. “Những khi đông bệnh nhân, có khi mình phải khám đến 8h đồng hồ”-chị Hoa chia sẻ. Với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình trong công tác, chị luôn được tập thể tin yêu, bệnh nhân quý mến. Bà Nguyễn Thị Chuẩn-60 tuổi ở thôn Vệ Linh không giấu được cảm xúc khi tâm sự với tôi về chị Hoa: “Chị Hoa rất cởi mở, niềm nở với bệnh nhân. Bệnh nhân nào đến, chị cũng tiếp đón chu đáo, nhiệt tình tư vấn. Đến trạm khám, bác rất yên tâm”.
Được nhân dân tin tưởng, trong những năm qua, chị đã cùng đồng nghiệp thực hiện có hiệu quả công tác CSSKBĐ cho nhân dân. Vì vậy, trong 25 năm làm quản lý thì cả 25 năm, tập thể Trạm Y tế xã Phù Linh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cá nhân chị được nhận bằng khen của UBND thành phố Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc công tác CSSKBĐ cho nhân dân.
Chữa bệnh cho mọi người song chính chị lại mắc căn bệnh nan y-bệnh ung thư vú. Năm 2009, khi hay tin dữ, tưởng chừng chị sẽ suy sụp nhưng “thật sự mình không hiểu tại sao khi đó lại bình tĩnh đến vậy. Có lẽ do mình học ngành y, hơn nữa lúc đó con mình còn nhỏ nên động lực đó khiến mình phải cố gắng vượt qua khó khăn này”-chị Hoa chia sẻ.
Trong thời gian điều trị hóa chất, xạ trị tại bệnh viện K, sức khỏe của chị đáp ứng tốt vì thế sáng chị đi truyền hóa chất, chiều lại đi làm tại Trạm Y tế. Từ khi hoàn thành phác đồ điều trị, cứ 3 tháng chị lại tái khám và uống thuốc miễn dịch, cùng với niềm tin và nghị lực của bản thân, sự tận tình của các thầy thuốc, bệnh tình của chị cũng đã ổn định.
Khi được hỏi về người Trạm trưởng cũng là đồng nghiệp của mình, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thanh Hải tâm sự: “Cô Hoa là người Trạm trưởng rất nghiêm túc, thẳng thắn trong công việc, nhiệt tình với người bệnh. Có lẽ do bản thân cô mắc bệnh nan y, thấu hiểu nỗi lòng khi có bệnh nên cô chăm sóc bệnh nhân bằng chính sự đồng cảm. Trạm được như ngày hôm nay đều nhờ có sự chèo lái khéo léo của cô Hoa”.
Quả thật, khi tiếp xúc với chị Hoa mới thấy được sự gần gũi nơi chị. Xen giữa câu chuyện của chúng tôi, có không ít bệnh nhân vào gặp chị, muốn chị trực tiếp khám. Không làm mất nhiều thời gian quý giá của chị Hoa, tôi đành xin phép ra về. Trước khi chia tay, chị Hoa bùi ngùi chia sẻ: “Ngành y mình vất thế nhưng cũng vinh quang lắm. Chữa khỏi bệnh cho người khác như chữa khỏi bệnh cho mình. Cứu sống được người khác như cứu được chính người thân của mình. Vì thế, còn sức lực đến đâu, mình sẽ tiếp tục cố gắng hết sức cùng CBNV trong trạm hoàn thành tốt hơn nữa công tác CSSKBĐ cho nhân dân địa phương”.
Dương T. Hồng Hà