Tiếng Việt

Hotline: 0914 637 689

Dấu hiệu và các biện pháp điều trị bệnh sởi

Cập nhật: 05/06/2017
Lượt xem: 1599

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ em từ 1-6 tuổi. Bệnh biểu hiện bằng tình trạng mắt đỏ, viêm mũi họng, tiêu chảy và phát ban đặc hiệu ngoài da.

Ở thể thường, bệnh lành tính với bệnh cảnh lâm sàng sau:

Thời kỳ ủ bệnh chừng 10-12 ngày nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày, trẻ thường không có biểu hiện gì. Trong một số trường hợp sau khi tiếp xúc với trẻ ốm, trẻ sốt nhẹ trong 5-6 ngày rồi khỏi, và 3-4 ngày sau mới sốt cao và chảy nước mắt nước mũi, trớ. Trẻ sơ sinh có thể bị xuống cân mặc dù trẻ vẫn bú bình thường.

 


Thời kỳ khởi phát  kéo dài 4-5 ngày với các triệu chứng nổi bật là trẻ sốt cao, ho và mắt đỏ có khi bị tiêu chảy.

Thời kỳ mọc sởi khoảng 5-7 ngày. Các triệu chứng nặng hẳn lên, thân nhiệt tăng vọt, trẻ có thể sốt tới 40 độ C, ho liên tục, co giật, mê sảng... rồi đến đêm thì mọc sởi. Phần nhiều ban mọc ở sau tai, chân tóc rồi lan dần theo trình tự: mặt, cổ, lưng, bụng và chân tay. Những ngày sau, ban mọc khắp người, dầy nhất ở những nơi hay cọ xát hoặc phơi nắng. Các nốt sởi hình tròn hoặc bầu dục, có màu đỏ hồng nhạt, sờ mịn, ấn vào biến mất, da xung quanh vẫn bình thường. Khi sởi mọc hết thì trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Ban sởi bay cũng theo trình tự như khi mọc, để lại các vết thâm kéo dài khoảng 1 tuần lễ mới hết. Có thể trẻ vẫn còn đau mắt, sổ mũi, quấy khóc, không chịu ăn.

Thời kỳ hồi phục: Sau 1 tuần ban sởi bay hết, trẻ lại sức dần và sau 2 tuần trẻ trở lại bình thường.
Trong thực tế đôi khi ta cũng gặp sởi ác tính với các triệu chứng: ban mọc ít, trẻ sốt cao, mê sảng, xuất huyết, đi tiểu ít... có thể dẫn đến tử vong; hoặc biến chứng gây viêm phế quản - phổi, viêm thanh quản (xảy ra sớm, trong những ngày đầu khi mới mọc sởi), viêm não, sơ nhiễm lao hoặc lao tiến triển, viêm cơ tim, viêm miệng hoại tử, khô loét giác mạc do thiếu vitamin A. Điều đáng quan tâm là sau sởi trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nặng.

 


Cách điều trị bệnh Sởi
Về điều trị, hiện nay bệnh sởi chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc. Với thể sởi lành tính, điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và có các biểu hiện về niêm mạc mắt, đường hô hấp và đường tiêu hoá; bảo đảm nhà cửa thoáng mát, đủ sáng, tránh gió lùa; không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác. Hằng ngày vệ sinh da, răng - miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da, rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm với nước đã đun sôi để nguội. Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối loãng.
Cho trẻ ăn nhẹ, đủ chất; khi trẻ sốt cao, tiêu chảy cho trẻ uống nhiều nước ( có thể pha dung dịch oresol hoặc nước quả tươi ). Với trẻ đang bú, tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên trẻ khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu protid và caroten. Không cho trẻ dùng thuốc khi không có chỉ định của thầy thuốc.
Không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng. Chú ý theo dõi thân nhiệt hằng ngày, nhất là khi sởi bay có thể xảy ra biến chứng. Khi sởi bay mà trẻ vẫn sốt cần phải nghĩ đến biến chứng và đưa trẻ đi bệnh viện ngay.
Hiện nay biện pháp phòng chống dịch chủ yếu là tiêm phòng vacxin sởi cho trẻ theo lịch:
Mũi 1: Khi trẻ tròn 9 tháng tuổi.

Mũi 2: Tiêm nhắc lại trong chiến dịch tiêm nhắc vacxin sởi.

 

Ảnh: Internet

Phòng TT-GDSK
 

Đăng ký nhận bản tin:
Thống kê truy cập:
Đang online: 60 -
Tổng số truy cập: 1.769.492
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Địa chỉ: Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn

Số giao dịch: 0423 595 0998 - Fax: 04 3884 0443

Số tư vấn tiêm chủng: 0989 981 425

Đường dây nóng trực lãnh đạo: 0914 637 689

Email: ttythss@hanoi.gov.vn

 
Website: www.trungtamytehuyensocson.org.vn

 

Bản quyền thuộc trungtamytesocson.org.vn
Thiết kế website    SEO -  Tất Thành